Kiến thức và thực hành về phòng chống bệnh tay chân miệng của người chăm sóc trẻ chính trong gia đình có trẻ dưới 5 tuổi tại xã Liên Hồng – Đan Phượng – Hà Nội, năm 2016
Tác giả: Hà Minh Trang, Nguyễn Hồng Nhung, Hồ Thị Minh Lý
Tóm tắt:
Nghiên cứu cắt ngang được tiến hành trên 236 người chăm sóc trẻ chính trong gia đình có con dưới 5 tuổi tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội năm 2016 nhằm mô tả kiến thức, thái độ và thực hành về phòng chống bệnh tay chân miệng. Kết quả cho thấy, nhìn chung các đối tượng có kiến thức chưa tốt về dấu hiệu nhận biết bệnh, đường lây truyền và các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng. Chỉ có 54,7% đối tượng đạt kiến thức chung và 45,8% có thực hành đạt về phòng chống bệnh tay chân miệng. Các đối tượng có thực hành nấu ăn cho trẻ khá tốt (75,8%) nhưng phần lớn không thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi cho trẻ ăn và sau khi thay quần áo, tã lót cho trẻ. Số đối tượng thực hành thường xuyên vệ sinh môi trường và vệ sinh đồ chơi của trẻ cũng còn thấp (30,1% và 48,7%). Nghiên cứu cũng tìm được mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa trình độ học vấn với kiến thức và thực hành, giữa kiến thức với thực hành phòng chống bệnh tay chân miệng của các đối tượng nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe của địa phương về bệnh tay chân miệng và cách phòng chống.