Luận văn Nghiên cứu đặc điểm hình thái học hạch di căn hạch vùng trong ung thư biểu mô đại trực tràng.Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nhiều nước trên thế giới và hiện vẫn là nguyên nhân gây tử vong cao hàng thứ 2 trong các tử vong do ung thư nói chung. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 1996 có hơn 875.000 người bị UTĐTT, chiếm khoảng 8,5% tổng số các trường hợp ung thư mới được phát hiện trong năm [56]. Theo Hiệp hội phòng chống ung thư quốc tế (UICC), hàng năm trên thế giới có khoảng một triệu bệnh nhân (BN) UTĐTT mới được chẩn đoán và khoảng 500.000 người chết vì bệnh này. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh cũng như tử vong không giống nhau giữa các khu vực và quốc gia trên thế giới, và ngay trong một nước, tỷ lệ mắc bệnh ở các vùng miền cũng có thể khác nhau: tỷ lệ này thường cao ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, trung bình ở khu vực Đông và Nam Âu, thấp nhất là ở Châu Phi, một số vùng của Châu Mỹ La Tinh và Châu Á… Tuy nhiên, hiện nay ở các nước này bệnh lại đang có xu hướng gia tăng.
MÃ TÀI LIỆU |
LVTHSY 0069 |
Giá : |
50.000đ |
Liên Hệ |
0915.558.890 |
Ở Việt Nam, đây cũng là một trong những bệnh hay gặp, đứng hàng thứ 5 sau ung thư phế quản, dạ dày, gan, vú (ở phụ nữ) và hiện đang có xu hướng tăng lên. Theo số liệu ghi nhận ung thư tại Hà Nội, tỷ lệ mắc UTĐTT chuẩn theo tuổi / 100.000 dân vào năm 1991 là 4,3 chung cho cả 2 giới; tỷ lệ này vào những năm 1995 – 1996 là 8,9 đối với nam và 6,0 đối với nữ, và đến năm 1999 đã tăng lên 13,3 [1], [2].
Mặc dù có khá nhiều phương pháp thăm khám và chẩn đoán UTĐTT đã và đang được áp dụng như: chụp X-quang khung đại tràng (ĐT), chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, nội soi ĐTT ống mềm, nội soi nhuộm màu, siêu âm nội soi… Tuy nhiên, do triệu chứng lâm sàng của UTĐTT thường nghèo nàn và thầm lặng nên việc chẩn đoán bệnh sớm vẫn rất khó khăn, đến khi các triệu chứng lâm sàng tương đối rõ thì bệnh thường đã ở vào giai đoạn muộn, khối u đã khá lớn, xâm lấn sâu và thường đã có di căn, vì thế, việc điều trị khó khăn và tiên lượng xấu.
Về điều trị UTĐTT, tốt nhất vẫn là phẫu thuật triệt căn và khi đã có di căn thì ngoài việc cắt bỏ khối u còn phải vét hạch rộng rãi, nếu có thể thì lấy bỏ cả khối di căn. Sau phẫu thuật, có thể phối hợp với xạ trị, hóa chất và các thuốc tăng cường miễn dịch….
Để có thể đánh giá một cách chính xác và đầy đủ về khối u như: hình thái đại thể, týp mô bệnh học (MBH), độ mô học, độ ác tính, mức độ xâm lấn, tình trạng di căn hạch cũng như di căn xa và giai đoạn bệnh…, qua đó giúp lựa chọn biện pháp điều trị hỗ trợ phù hợp và tiên lượng bệnh tốt hơn, cần phải xét nghiệm MBH cẩn thận, kết hợp các kỹ thuật nhuộm thường quy với hóa mô miễn dịch (HMMD). Nhờ có HMMD, người ta đã phát hiện thêm được một số trường hợp có di căn kín đáo (vi di căn) mà trên các tiêu bản nhuộm thường quy không phát hiện được [62]. Điều này góp phần giải thích tại sao có nhiều trường hợp mặc dù trước đó “không thấy di căn” nhưng vẫn “tái phát” và thời gian sống thêm không như dự kiến.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, việc phẫu thuật một cách triệt để, đồng thời vét hạch rộng rãi trong điều trị UTĐTT cũng như kỹ thuật xét nghiệm HMMD mới chỉ có thể áp dụng ở một số cơ sở lớn nên hầu như chưa thấy có nghiên cứu nào sử dụng HMMD trong nghiên cứu tình trạng di căn hạch, đặc biệt là vi di căn, và mối liên quan của nó với các đặc điểm hình thái bệnh học của UTĐTT. Trong UTĐTT thì ung thư biểu mô (UTBM) chiếm hơn 97% [11], [14]… Vì vậy, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu đặc điểm hình thái học hạch di căn trong ung thư biểu mô đại trực tràng” nhằm 2 mục tiêu chính sau:
1. Xác định tỷ lệ và một số đặc điểm hình thái học hạch di căn trong ung thư biểu mô đại trực tràng.
2. Tìm hiểu mối liên quan giữa tình trạng di căn hạch vùng với các đặc điểm hình thái học của các u nêu trên.