PHÂN TÍCH CHI PHÍ HIỆU QUẢ CỦA ESOMEPRAZOLE SO VỚI PANTOPRAZOLE Ở NGƯỜI BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN CÓ VIÊM XƯỚC THỰC QUẢN TẠI VIỆT NAM
Nguyễn Thị Quỳnh Nga1, Lê Đặng Tú Nguyên1, Lê Phước Thành Nhân2, Trương Văn Đạt1, Nguyễn Thị Hải Yến1
1 Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
2 Bệnh viện Lê Văn Thịnh
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Phân tích chi phí hiệu quả của esomeprazole so với pantoprazole ở người bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có viêm xước thực quản tại Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp mô hình hóa sử dụng mô hình cây quyết định để phân tích chi phí-hiệu quả của esomeprazole so với pantoprazole trong điều trị GERD có viêm xước thực quản. Nghiên cứu được thực hiện dưới quan điểm của cơ quan chi trả. Dữ liệu về hiệu quả điều trị tính toán dựa trên các thông số trích xuất từ nghiên cứu đa trung tâm và phân tích tổng hợp đã được công bố. Kết quả mô hình được biểu thị dưới dạng chỉ số chi phí-hiệu quả tăng thêm (ICER), kết quả phân tích độ nhạy một chiều và phân tích độ nhạy xác suất. Kết quả: So với pantoprazole, esomeprazole có giá trị ICER là 44.574.294 VND/QALY tăng thêm, cụ thể hiệu quả tăng thêm là 0,0016 QALYs và chi phí điều trị tăng thêm là 72.075,9 VND. Hệ số chất lượng sống của trạng thái khỏi bệnh, hệ số chất lượng sống của trạng thái còn bệnh, đơn giá cho một viên esomeprazole/ pantoprazole là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả phân tích chi phí hiệu quả. Kết luận: Từ quan điểm của cơ quan chi trả và so với ngưỡng chi trả đề xuất bởi WHO, esomeprazole đạt chi phí hiệu quả so với pantoprazole trong điều trị GERD có viêm xước thực quản tại Việt Nam.
MÃ TÀI LIỆU
|
TCYDH.2022.02059 |
Giá :
|
20.000đ
|
Liên Hệ
|
0978.770.836
|
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một bệnh lý đặc trưng bởi sự trào ngược một cách bất thường của các chất trong lòng dạ dày lên thực quản dẫn đến các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh và các biến chứng nghiêm trọng trên đường tiêu hóa. Nghiên cứu cho thấy Nam Á và Đông Á là các khu vực có tỷ lệ mới mắc, tỷ lệ hiện mắc và số năm sống bị mất do GERD cao nhất trên thế giới [1]. Tại Việt Nam, sự cải thiện về mức sống cũng như những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày và thói quen ăn uống là những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca mắc GERD. Bên cạnh việc gây ra các biểu hiện tại thực quản như viêm, hẹp, loét và ung thư biểu môtuyến, GERD còn gây ra các triệu chứng ngoài thực quản như ho mạn tính, viêm hầu họng, đau ngực không do tim… và làm nặng hơn tình trạng hen phế quản. Do đó, gánh nặng về mặt kinh tế liên quan đến GERD bao gồm cả chi phí sinh hoạt và các dịch vụ y tế như khám, chẩn đoán, các liệu pháp điều trị GERD cũng như các bệnh lý liên quan trong thời gian dài.Thuốc ức chế bơm proton (PPI) từ lâu đã được chứng minh hiệu quả tốt hơn so với thuốc kháng Histamin H2 trong điều trị GERD, mang lại tỉ lệ lành viêm thực quản cao và kiểm soát triệu chứng tốt. Trong điều trị GERD, Hiệp hội Tiêu hóa học Châu Á-Thái Bình Dương khuyến cáo sử dụng PPI trong vòng 4 tuần với tình trạng không viêm xước thực quản và 8 tuần với tình trạng có viêm xước thực quản (cho hiệu quả hồi phục lên đến 86% số người bệnh điều trị) [2]. Tuy nhiên, GERD là một bệnh lý dễ tái phát cũng như cần thời gian điều trị kéo dài, đặc biệt trong trường hợp có viêm xước thực quản. Do đó, việc sử dụng hợp lý thuốc điều trị GERD bao gồm PPI đóng vai trò quan trọng trong tối ưu hóa hiệu quả điều trị song song với tiết kiệm chi phí. Tại Việt Nam, esomeprazole và pantoprazole là hai thuốc thuộc nhóm PPI được thường xuyên lựa chọn trong điều trị GERD. Esomeprazole với giá thành cao hơn, đã được chứng minh về mặt hiệu quả so với pantoprazole trong việc kiểmsoát acid dịch vị [3,4]. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu phân tích chi phí hiệu quả của esomeprazole so với pantoprazole ở người bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có viêm xước thực quản tại Việt Nam